Là một trong năm khu kinh tế ven biển trọng điểm của cả nước, trong thời gian qua, Khu kinh tế Vũng Áng đã và đang phát triển với tốc độ nhanh, dần trở thành khu kinh tế đa ngành, đa lĩnh vực có cảng biển nước sâu và trung tâm công nghiệp nặng với các ngành chủ đạo: luyện thép, nhiệt điện,… tạo động lực phát triển kinh tế không những cho Hà Tĩnh mà cho cả bắc miền Trung. Tính đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn Khu kinh tế Vũng Áng có trên 400 doanh nghiệp, trên 100 dự án đầu tư, tổng vốn đăng ký gần 17 tỷ USD. Khu kinh tế Vũng Áng đã và đang thu hút các nhà đầu tư đến từ Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… đầu tư thực hiện dự án và hoạt động sản xuất kinh doanh. Nổi bật là các doanh nghiệp: Công ty TNHH gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh, Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1; Công ty cổ phần Xăng dầu - Dầu khí Vũng Áng, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản Nam Hà Tĩnh, Công ty cổ phần Cảng Vũng Áng - Việt Lào…
Để đảm bảo phát triển nhanh, mạnh và bền vững cho Khu kinh tế Vũng Áng, công tác đảm bảo nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp là rất cần thiết. Tổng lao động tính đến tháng 5/2015 gần 38 nghìn người, bao gồm: lao động Việt Nam trên 30 nghìn và lao động nước ngoài gần 8 nghìn người, trong đó riêng Dự án Formosa sử dụng trên 31 nghìn lao động, trong đó trên 24 nghìn lao động Việt Nam và trên 7 nghìn lao động nước ngoài.
Đ/c Phạm Trần Đệ tham dự hội thảo chia sẻ kinh nghiệm kết nối đào tạo theo nhu cầu và đơn đạt hàng của doanh nghiệp
Mặc dầu vậy, về cơ cấu vị trí việc làm thì chỉ có trên 12 nghìn lao động làm việc ổn định tại các doanh nghiệp, trong đó có gần 11 nghìn lao động Việt Nam và hơn 1 nghìn lao động nước ngoài, phần còn lại là lao động tại các nhà thầu thi công các dự án có tính chất thời vụ, với trên 26 nghìn, trong đó gần 20 nghìn lao động Việt Nam.
Theo biểu đồ sử dụng lao động tại Khu kinh tế Vũng Áng thì hiện nay là giai đoạn cao điểm trong sử dụng lao động. Theo kế hoạch, năm 2015 là năm bản lề Dự án Formosa chuyển giai đoạn từ thi công sang vận hành. Dự kiến, năm 2015 nhiều hạng mục dự án sẽ vận hành chạy thử: Nhà máy Gang thép; Nhà máy Nhiệt điện và Cảng Sơn Dương với 5 cầu cảng. Khi đó, các hạng mục thi công hoàn thành bàn giao, lao động trong các nhà thầu sẽ giảm dần. Cùng với quá trình đó, nhu cầu lao động để vận hành sau đầu tư sẽ tiếp tục tăng lên.
Dự báo, khi giai đoạn một của Dự án Formosa đi vào hoạt động ổn định vào năm 2018 thì toàn Khu kinh tế Vũng Áng cần khoảng 18 nghìn lao động, trong đó riêng Công ty TNHH gang thép Hưng nghiệp Formosa sẽ sử dụng trên 10 nghìn lao động, trong đó trên 8 nghìn lao động Việt Nam. Như vậy, giai đoạn 2015 - 2018, bình quân lao động trong các doanh nghiệp sẽ tăng lên 1500 người mỗi năm, trong đó hai phần ba là của Công ty Formosa.
Bài viết này nhằm cung cấp thông tin về nhu cầu lao động trong các doanh nghiệp tại Khu kinh tế Vũng Áng giai đoạn 2015-2018, số lao động mà các nhà đầu tư, các doanh nghiệp sẽ tuyển dụng, đào tạo và sử dụng ổn định lâu dài, gắn bó với hoạt động của các doanh nghiệp, các nhà đầu tư.
Đ/c Phạm Trần Đệ tham quan sàn giao dịch việc làm Khu kinh tế Vũng Áng
Về ngành nghề
Qua kết quả điều tra và thực tế cho thấy nhu cầu lao động của các doanh nghiệp trong Khu kinh tế Vũng Áng khá đa dạng về ngành nghề đào tạo. Tuy nhiên, cơ cấu sử dụng lao động theo ngành, lĩnh vực cũng có sự khác biệt lớn, các ngành khối kỹ thuật như: điện; cơ khí; luyện kim; chế tạo máy; tự động hóa… chiếm tỷ trọng cao hơn, với khoảng 60-65% nhu cầu tuyển dụng hàng năm. Kế đến, các ngành thuộc khối kỹ thuật khác như: xây dựng; giao thông; thủy lợi... cũng chiếm tỷ trọng đáng kể, với khoảng 20-25%, còn lại là các ngành nghề khác.
Về trình độ đào tạo
Nói chung, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp, các nhà đầu tư hướng đến tất cả các cấp đào tạo, từ trên đại học cho đến lao động phổ thông có trình độ trung học phổ thông, với khoảng 40-45% trình độ đại học và trên đại học, 40-45% trình độ cao đẳng và trung cấp và 10-15% chưa qua đào tạo nghề
Về kỹ năng
- Năng lực chuyên môn được đào tạo luôn được đánh giá hàng đầu. Để có thể đáp ứng được những yêu cầu cao trong môi trường làm việc công nghiệp hiện đại, chuyên nghiệp, khoa học đòi hỏi người lao động phải chuẩn bị cho mình những kiến thức chuyên môn vững vàng, đúng với cấp đào tạo.
- Kỷ luật lao động luôn đòi hỏi cao, người lao động phải chấp hành đầy đủ thời giờ lao động, an toàn lao động, có tinh thần, thái độ phù hợp, hiện đại, khoa học mang tính chất công nghiệp. Người lao động Việt Nam nói chung và Hà Tĩnh nói riêng thường yếu về vấn đề này. Các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nước ngoài đánh giá cao về kiến thức chuyên môn, kỹ thuật nhưng lại không bằng lòng với ý thức, thái độ, kỷ luật làm việc của người Việt Nam.
- Kỹ năng ngoại ngữ: Đối với các nhà đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài thường yêu cầu người lao động biết sử dụng ngoại ngữ, không chỉ làm phiên dịch mà những ngành kỹ thuật, quản lý kinh tế cũng đòi hỏi hoặc ưu tiên những lao động biết ngoại ngữ. Tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Nhật và tiếng Hàn trở thành điều kiện quan trọng gắn liền với lao động khi tìm kiếm việc làm tại Khu kinh tế Vũng Áng.
Công tác chuẩn bị đảm bảo nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp, dự án trong Khu kinh tế Vũng Áng đã được Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh triển khai từ năm 2010. Trong mấy năm qua, để đảm bảo nguồn nhân lực phục vụ cho hoạt động của các doanh nghiệp trong Khu kinh tế Vũng Áng, Ban quản lý Khu kinh tế Hà Tĩnh và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tập trung vào công tác điều tra, dự báo nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp, dự án đầu tư để tham mưu với Uỷ ban nhân dân tỉnh, Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng các chế độ ưu đãi trong đào tạo, chương trình đào tạo gắn với nhu cầu của doanh nghiệp.
Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Cung ứng nhân lực - là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Ban quản lý Khu kinh tế Hà Tĩnh - được giao nhiệm vụ làm cầu nối giữa ba bên: đơn vị sử dụng, đơn vị đào tạo và người lao động; thắt chặt mối quan hệ giữa ba nhà: nhà trường, nhà nước và nhà doanh nghiệp và Sàn giao dịch việc làm của Trung tâm giới thiệu việc làm thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã và đang khẳng định được vai trò của mình trong công tác hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm lao động, liên kết đào tạo với các doanh nghiệp và là địa chỉ tin cậy cho người lao động tìm kiếm việc làm.
Trong thời gian tới, để đảm bảo hỗ trợ cung ứng nhân lực cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư, Ban quản lý Khu kinh tế Hà Tĩnh cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nhân dân trong Khu kinh tế về tính chất quan trọng của việc chuyển đổi nghề nghiệp, đào tạo nghề và giải quyết việc làm; phối hợp với các đơn vị liên quan, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất tiến hành đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động vùng dự án phù hợp với nhu cầu thực tế của Khu kinh tế Vũng Áng. Đình kỳ hàng năm, hàng quý tổ chức khảo sát, cập nhật số liệu về nhu cầu nhân lực của các doanh nghiệp để định hướng nghề nghiệp, cập nhật số liệu về nhu cầu học tập, đào tạo của học sinh các trường. Làm việc với các nhà đầu tư, doanh nghiệp có sử dụng lao động lớn để thống nhất lộ trình cung ứng nhân lực, làm việc với các trường trung cấp nghề, cao đẳng, đại học để tổ chức đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp khi có đơn đặt hàng từ các doanh nghiệp. Xây dựng các kế hoạch thực hiện đào tạo và cung ứng nhân lực theo lộ trình cụ thể phù hợp với tiến độ thực hiện các dự án, sự phát triển chung của Khu kinh tế Vũng Áng trong những năm tiếp theo.
Về phía các đơn vị đào tạo, cần gắn chặt công tác tuyển sinh, đào tạo với nhu cầu của doanh nghiệp, xã hội. Có như thế “sản phẩm” của quá trình đào tạo mới đáp ứng kịp thời, chính xác yêu cầu của doanh nghiệp, nguồn lực phục vụ cho công tác đào tạo của nhà nước, xã hội không bị lãnh phí nhằm nâng cao hiệu quả công tác đào tạo. Để cụ thể hóa vấn đề này, đòi hỏi nhà trường, doanh nghiệp thông qua cầu nối nhà nước để ngồi lại với nhau xây dựng cơ chế chính sách, chương trình đào tạo đảm bảo yêu cầu, tiêu chuẩn của doanh nghiệp về người lao động và sản phẩm đào tạo của nhà trường phải trùng nhau hoặc có sự giao thoa với nhau. Các đơn vị đào tạo phải chú trọng tới công tác xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo nhằm tăng thời lượng đào tạo thực hành, thực tế giúp học viên tiếp cận nhiều hơn với kiến thức thực tế. Vấn đề này đòi hỏi nhà trường phải có mối liên hệ chặt chẽ với doanh nghiệp, cần có sự hỗ trợ và tham gia của doanh nghiệp vào quá trình đào tạo từ lý thuyết đến thực hành và thực tế. Nhà trường cần có sự chọn lọc trong việc lựa chọn ngành, nghề đào tạo, không triển khai đào tạo tràn lan, ngành nào thuộc thế mạnh của trường thì tổ chức đào tạo. Các trường đào tạo cần có sự liên kết chặt chẽ với nhau trong quá trình tuyển sinh, đào tạo và giới thiệu việc làm cho sinh viên sau khi ra trường; tránh tình trạng “mạnh ai nấy làm”, gây lãng phí nguồn lực xã hội.