Khác với kỳ vọng ban đầu, những năm gần đây, hoạt động sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa tại Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (Hà Tĩnh) diễn ra khá đìu hiu, vắng vẻ. Bên cạnh việc thay đổi của một số cơ chế, chính sách, thì những yếu kém trong công tác quản lý, xúc tiến đầu tư, huy động nguồn lực phát triển hạ tầng... được xác định là những nguyên nhân chính kìm hãm sự phát triển khu kinh tế trọng điểm này.
Sau hai năm, Công ty May Thiên Thành Five Star phải thông báo tạm ngừng sản xuất do những khó khăn liên quan tài chính, thị trường.
Cùng với việc nghiêm túc nhìn nhận những yếu kém, hạn chế trong công tác quản lý, vận hành tại Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, tỉnh Hà Tĩnh cần ưu tiên bố trí nguồn lực để phát triển hạ tầng, khơi thông nguồn lực từ bên ngoài, tạo cú huých cho khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm của quốc gia.
Vắng lặng, đìu hiu
Theo giới thiệu của Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Sơn Kim 1 (huyện Hương Sơn) Hoàng Văn Thư, chúng tôi có mặt tại Khu công nghiệp Đại Kim vào những ngày đầu tháng 9. Tại đây, chúng tôi dễ dàng bắt gặp những dự án bỏ hoang, nhà máy đóng cửa trước vẻ nuối tiếc của người dân khi đã nhường gần 30 ha đất trồng lúa để xây dựng khu công nghiệp.
Ông Thư cho biết, Khu công nghiệp Đại Kim được thành lập năm 2007, tại vị trí đắc địa bên cạnh Quốc lộ 8A. Để xây dựng khu công nghiệp này, địa phương đã thu hồi gần 30 ha diện tích đất trồng lúa của các hộ dân trên địa bàn. "Tuy vậy, từ khi thành lập đến nay, mới có bốn nhà đầu tư đăng ký kinh doanh. Trong đó, một doanh nghiệp hoạt động được hai năm và một doanh nghiệp khác vận hành thử nghiệm rồi để không", ông Thư cho biết.
Theo tìm hiểu, năm 2005, Công ty cổ phần Xe điện Hà Tĩnh được cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án nhà máy sản xuất, lắp ráp các loại xe có động cơ, xe không có động cơ, các sản phẩm điện, điện tử dân dụng, các thiết bị điện chiếu sáng, thiết bị điện khác tại Khu công nghiệp Đại Kim. Tổng mức đầu tư dự án hơn 55 tỷ đồng, diện tích sử dụng 3,45 ha.
Ba năm sau, doanh nghiệp này bắt đầu vận hành thử nghiệm. Dự án được kỳ vọng thúc đẩy phát triển kinh tế vùng biên giới, tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương. Tuy nhiên, sau một thời gian ngắn đưa vào hoạt động, doanh nghiệp đã ngừng hoạt động.
Không khá hơn mấy so với dự án sản xuất của Công ty cổ phần Xe điện Hà Tĩnh, dự án nhà máy may công nghiệp có tổng vốn đầu tư 150 tỷ đồng của Công ty May Thiên Thành Five Star cũng chỉ hoạt động được hai năm rồi ra thông báo đóng cửa, dừng sản xuất vào cuối năm 2023 do những khó khăn về tài chính và thị trường. Hậu quả là gần 300 lao động địa phương bị mất việc, phải loay hoay, bươn chải tìm kế sinh nhai.
Theo chia sẻ của chính quyền địa phương, việc Công ty May Thiên Thành Five Star ngừng hoạt động không chỉ khiến cho các lao động ở địa phương thất nghiệp, mà các dịch vụ ăn theo như các quán ăn sáng, cà-phê, doanh nghiệp vận tải đưa đón công nhân đến làm việc cũng phải đóng cửa.
Ngược Quốc lộ 8A, chúng tôi có mặt tại Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, khác với những thời kỳ trước, vào thời điểm này lưu lượng phương tiện, hàng hóa thông quan không còn tấp nập, sầm uất. Anh Phạm Văn Toàn, Công ty cổ phần Vinaconex chia sẻ, trước đây công ty chạy từ 120 đến 150 xe/ngày.
Hiện nay chỉ chạy duy trì được 20 xe, số xe còn lại doanh nghiệp đã chuyển về các cửa khẩu khác như Cửa khẩu Nậm Cắn ở huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) và Cửa khẩu Cha Lo của Đường 12 ở tỉnh Quảng Bình. Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo Đào Nghĩa Đồng, từ cuối năm 2023 đến nay, do tuyến Đường 8 phía Lào bị hư hỏng, sạt lở, cho nên lực lượng chức năng đã hạn chế tải trọng, phương tiện qua lại.
Do vậy, việc vận chuyển hàng hóa qua Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo gặp không ít khó khăn. Điều này dẫn đến nhiều doanh nghiệp chỉ có thể duy trì khoảng 20% công suất so với trước đây. Ngoài ra, do mặt bằng khu vực cửa khẩu rất chật hẹp, không có đủ diện tích phục vụ công tác kiểm hóa hải quan, các phương tiện, nhất là xe container thường xuyên bị ùn tắc tại khu vực cửa khẩu, một số doanh nghiệp đã chuyển sang sử dụng các cửa khẩu khác.
Số liệu thống kê từ đầu năm đến cuối tháng 7/2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tại cửa khẩu chỉ đạt hơn 149 triệu USD, giảm 47% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng thu ngân sách từ đầu năm 2024 đến nay của Chi cục Hải quan Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo đạt hơn 140 tỷ đồng, giảm hơn 69% so với cùng kỳ năm 2023. "Ngoài nguyên nhân ảnh hưởng bởi hạ tầng giao thông ở phía Lào thì kho bãi tại Cửa khẩu Cầu Treo chật hẹp, bãi kiểm hóa chưa có, nên cũng ảnh hưởng đến quá trình triển khai nhiệm vụ cho người và phương tiện", ông Đồng cho biết thêm.
Qua tìm hiểu được biết, thời gian qua, các cơ chế, chính sách đối với Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo đã thay đổi nhiều, thời hiệu áp dụng cơ chế chính sách ngắn; đặc biệt, từ ngày 1/9/2016 khi Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu có hiệu lực và ngày 16/1/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 01/QĐ-TTg về việc bãi bỏ Quyết định số 72/QĐ-TTg ngày 26/11/2013 về quy định cơ chế, chính sách tài chính đối với khu kinh tế cửa khẩu, Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo không còn là khu phi thuế quan nữa, phải áp dụng các chính sách chung như đối với các khu kinh tế thông thường.
Các doanh nghiệp kinh doanh và nhà đầu tư sau khi bị cắt giảm các ưu đãi gặp nhiều khó khăn, một số doanh nghiệp giải thể hoặc tạm ngừng đầu tư, kinh doanh do không có hiệu quả, điều này đã tác động không nhỏ tâm lý của doanh nghiệp, nhà đầu tư nói chung trong việc cân nhắc điều chỉnh mục tiêu, quy mô, nguồn vốn đầu tư,... nhằm hạn chế rủi ro đầu tư.
Tìm giải pháp tháo gỡ
Theo số liệu thống kê của Ban quản lý Khu kinh tế Hà Tĩnh, tính đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo đã thu hút được 28 dự án đầu tư có sử dụng đất (còn hiệu lực), gồm: 27 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 2.000 tỷ đồng và một dự án đầu tư nước ngoài với số vốn đầu tư đăng ký 114,7 tỷ đồng.
Hiện đã có 17 dự án hoàn thành đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh; một dự án đã hoàn thành một phần, đưa vào hoạt động và tiếp tục triển khai các hạng mục tiếp theo của dự án; sáu dự án đang triển khai và bốn dự án chưa triển khai (chưa được giao đất, cho thuê đất).
Lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh chia sẻ, thời gian qua, hoạt động của Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và còn gặp nhiều khó khăn. Công tác lập, quản lý, thực hiện quy hoạch có nội dung hiệu quả chưa cao. Cơ sở hạ tầng của khu kinh tế chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; hệ thống giao thông, cảnh quan môi trường còn nhiều bất cập. Công tác xúc tiến đầu tư, huy động các nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng khu kinh tế còn hạn chế.
Bên cạnh nguyên nhân khách quan về cơ chế, chính sách của Chính phủ áp dụng cho Khu kinh tế Cửa khẩu có sự thay đổi, giao thông khó khăn, địa hình phức tạp…, phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, công tác quản lý nhà nước tại Khu kinh tế Cửa khẩu còn nhiều bất cập, các cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh còn thiếu tính chiến lược, cải cách thủ tục hành chính còn hạn chế, chưa đồng bộ. Việc huy động, thu hút nguồn lực, phát triển cơ sở hạ tầng tại Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo còn nhiều hạn chế...
Đồng chí Bùi Nhân Sâm, Bí thư Huyện ủy Hương Sơn chia sẻ, để vực dậy Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, trước hết tỉnh cần có sự quan tâm, ưu tiên, nhất là nghiên cứu ban hành cơ chế, chính sách phù hợp để huy động, thu hút nguồn lực tiếp tục đầu tư, hoàn thiện cơ sở hạ tầng khu kinh tế.
Cùng với đó, tỉnh cần tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch một cách phù hợp, trong đó thực hiện việc phân cấp, phân quyền, xây dựng quy chế phối hợp giữa các địa phương, đơn vị một cách cụ thể, bài bản.
Đồng quan điểm nêu trên, đại diện lãnh đạo Ban quản lý Khu kinh tế Hà Tĩnh cho biết, thời gian tới, đơn vị sẽ tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh đề xuất các dự án phát triển cơ sở hạ tầng cần thiết, cấp bách, có thứ tự ưu tiên, phù hợp định hướng phát triển của khu kinh tế và điều kiện về nguồn vốn, nhất là ban hành chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư tại Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo nhằm khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, tạo hiệu ứng lan tỏa và góp phần thúc đẩy phát triển đối với khu kinh tế...