Với vị trí địa lý thuận lợi, cùng với sự đầu tư phát triển mạnh mẽ vào khu kinh tế Vũng Áng theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực đã và đang cuốn hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước bỏ ra hàng chục ngàn tỉ đồng xây dựng cảng Vũng Áng - Sơn Dương trở thành hệ thống bến cảng lớn, hiện đại bậc nhất ở Việt Nam
Với vị trí địa lý thuận lợi, cùng với sự đầu tư phát triển mạnh mẽ vào khu kinh tế Vũng Áng theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực đã và đang cuốn hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước bỏ ra hàng chục ngàn tỉ đồng xây dựng cảng Vũng Áng - Sơn Dương trở thành hệ thống bến cảng lớn, hiện đại bậc nhất ở Việt Nam
Đón tàu “khủng” nhất cập cảng
Một buổi sáng đầu năm 2016, tin tàu nước ngoài lớn nhất từ trước tới nay đang cập cảng Sơn Dương (thuộc Khu kinh tế Vũng Áng, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) đã thu hút sự quan tâm của nhiều người. Tàu có tên Divinus (quốc tịch Anh) dài 300m, rộng 45m chở 164.100 tấn quặng sắt từ Malaysia cập cầu cảng S1 - cảng Sơn Dương cung cấp nguyên liệu phục vụ cho dự án của Cty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS).
Cách cảng Sơn Dương khoảng vài km về phía bắc là cảng Vũng Áng (xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh). Đây là cảng biển được đầu tư xây từ năm 2001 với 2 cầu cảng (số 1 và 2) hiện do Cty CP cảng Vũng Áng Việt - Lào quản lý, khai thác với công suất thiết kế 1,32 triệu tấn/năm. Một con tàu có tên Panama dù không lớn bằng tàu Divinus đang neo đậu ở cảng Sơn Dương nhưng cũng là tàu “khủng” đang neo ở cảng này để tiếp hàng từ hàng trăm xe tải biển số Lào ra vào nhộn nhịp đổ quặng lên.
Hệ thống bến cảng hiện đại bậc nhất
Theo đại diện BQL Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh, thời điểm này Cty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa (Đài Loan) - chủ đầu tư dự án Khu liên hợp gang thép và cảng nước sâu Sơn Dương đang khẩn trương hoàn thành giai đoạn 1 của dự án (10 tỉ USD). Trong đó, riêng về cảng đầu tư khoảng 1 tỉ USD để xây dựng 11 bến tàu gồm 2 bến cho tàu 20 vạn DWT, 9 bến cho tàu từ 1 đến 5 vạn DWT. Thời điểm này đã đưa vào hoạt động 5 cầu cảng cho phép tàu từ 1-5 vạn DWT vào làm hàng.
Giai đoạn 2 dự kiến tăng tổng vốn lên 27 tỉ USD để đến 2020, Formosa Hà Tĩnh trở thành khu liên hợp gang thép lớn nhất Đông Nam Á, sản lượng thép đạt 22,5 triệu tấn, cảng nước sâu Sơn Dương với 32 cầu cảng (6 bến cho tàu 20-30 vạn DWT; 20 bến cho tàu 3-5 vạn DWT và 6 bến tàu 6.000 - 10.000 DWT), hàng hóa thông qua 85 triệu tấn. Khi đó, cảng Sơn Dương trở thành một trong những cảng biển nước sâu lớn, hiện đại nhất Việt Nam.
Ông Dương Thế Cường – Giám đốc Cty CP cảng Vũng Áng Việt - Lào cho biết, ngoài việc đang quản lý khai thác cầu cảng số 1 và 2 của cảng Vũng Áng, công ty này đang đầu tư xây dựng cầu cảng số 3 - cảng Vũng Áng có chiều dài 250m, độ sâu trước bến -13m, cùng nhiều hạ tầng kỹ thuật phụ trợ khác với tổng vốn 999,9 tỉ đồng. Dự án được khởi công từ tháng 9.2015, theo kế hoạch sẽ hoàn thành giai đoạn 1 (600 tỉ) vào năm 2018 với thiết kế có thể tiếp nhận tàu có trọng tải đến 45.000 DWT.
Ông Cường cho biết, cảng Vũng Áng mới chỉ có 2 cầu cảng với công suất thiết kế 1,32 triệu tấn/năm. Nhưng 5 năm trở lại đây, với việc đầu tư mạnh vào phát triển khu kinh tế Vũng Áng, lượng hàng hóa thông qua cảng tăng đột biến, vượt xa công suất thiết kế (năm 2014 hàng hóa thông qua gần 3 triệu tấn, hơn gấp 2 lần công suất thiết kế).
Do vậy, công ty đã mạnh dạn đầu tư thêm cầu cảng để đáp ứng nhu cầu bốc dỡ hàng hóa ngày càng tăng này. Ngay cạnh dự án cầu cảng số 3, Cty CP Tập đoàn Hoành Sơn cũng đang thi công bến số 4 - cảng Vũng Áng với tên gọi Cảng tổng hợp quốc tế Hoành Sơn tổng mức đầu tư 1.489 tỉ đồng gồm một cầu cảng có thể tiếp nhận tàu chở hàng có trọng tải 50.000DWT, cùng hệ thống kho bãi và khu dịch vụ hậu cảng với công suất khai thác dự kiến 2,3 triệu tấn/năm.
Ngoài ra, thông tin từ Cảng vụ Hà Tĩnh, hiện Cty Freight Link Capital (Singapore) đang xúc tiến đầu tư bến số 5 và 6 - cảng Vũng Áng với tổng số vốn 115 triệu USD. Theo thiết kế, 2 bến này có thể đón tàu 50.000 DWT vào làm hàng, công suất dự kiến khoảng 5 triệu tấn/năm.
Ông Nguyễn Bá Trung - Chi cục trưởng Chi cục hải quan cửa khẩu cảng Vũng Áng - cho biết, đến thời điểm này cảng Sơn Dương vẫn chưa làm thủ tục công bố cảng biển, do đó, mọi thủ tục về thuế khi vào cảng này vẫn thực hiện ở cảng Vũng Áng. Trong năm 2015, chi cục thu được 4.884 tỉ đồng tiền thuế.
“Đến năm 2018, khi có thêm một số cầu cảng hoàn thành, hàng hóa thông qua cảng sẽ nhiều hơn thì việc thu thuế sẽ rất khả quan. Điều đó giúp tăng thu nâng sách địa phương, thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển” - ông Trung lạc quan.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Quốc Khánh, với tốc độ phát triển nhanh ở khu kinh tế Vũng Áng nói riêng, tỉnh Hà Tĩnh nói chung, việc đẩy mạnh phát triển cảng biển là rất cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu hàng hóa thông qua cảng biển Vũng Áng ngày càng tăng của tỉnh, của nước bạn Lào và vùng đông bắc Thái Lan. Từ đó, tăng thêm sức hấp dẫn đầu tư vào khu kinh tế Vũng Áng, góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế xã hội của toàn vùng Bắc Trung Bộ và cả nước.