Để khắc phục những tồn tại, hạn chế đồng thời tận dụng tối đa những kết quả đạt được trong Quý I, Ban Quản lý Khu kinh tế (BQL KKT) tỉnh đề ra những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thúc đầy phát triển kinh tế - xã hội đến hết năm 2024.
Hiện nay, trên địa bàn các khu kinh tế, khu công nghiệp tỉnh có 192 dự án đầu tư còn hiệu lực
Tích cực đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của toàn tỉnh
Từ đầu năm đến nay, BQL KKT tỉnh đã cấp Quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 06 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký đầu tư 772,97 tỷ đồng. Hiện nay, trên địa bàn các khu kinh tế, khu công nghiệp tỉnh có 192 dự án đầu tư còn hiệu lực, trong đó có 55 dự án có vốn đầu tư nước ngoài và 137 dự án đầu tư trong nước. Các dự án đã và đang đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của toàn tỉnh. Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh, trong Quý I năm 2024, Hà Tĩnh đã đạt được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội. Tăng trưởng kinh tế Quý I đạt 7,82%, cao hơn so với cùng kỳ năm trước, cao hơn bình quân chung của cả nước (cả nước tăng 5,66%), đứng thứ 13/63 tỉnh, thành phố và đứng thứ 2 trong khu vực Bắc Trung Bộ (xếp sau tỉnh Thanh Hóa).
Thu ngân sách 04 tháng đầu năm 2024 trên địa bàn các khu kinh tế, khu công nghiệp tỉnh đạt 4.121,47 tỷ đồng. Cụ thể:
+ Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 3.411,38 tỷ đồng, trong đó thu tại Khu kinh tế Vũng Áng 3.318,97 tỷ đồng; Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo 92,41 tỷ đồng.
+ Thu từ nội địa đạt 710,09 tỷ đồng, trong đó thu tại Khu kinh tế Vũng Áng 692,91 tỷ đồng; Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo và khu công nghiệp Gia Lách 17,18 tỷ đồng.
Thời gian qua, BQL KKT tỉnh luôn đồng hành, hỗ trợ các Nhà đầu tư đang nghiên cứu, khảo sát đầu tư vào các khu kinh tế, khu công nghiệp của tỉnh, đặc biệt là các nhà đầu tư lớn, chiến lược như Tổ hợp các dự án khí - điện của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các công ty thành viên tại Khu kinh tế Vũng Áng. Thường xuyên rà soát các quy định của pháp luật, các vướng mắc bất cập của quy định pháp lý và thực thi ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp để đề xuất phương hướng xử lý hoặc tham mưu cấp có thẩm quyền sửa đổi, điều chỉnh các quy định đang là rào cản đối với doanh nghiệp cũng như cơ quan thực thi, qua đó hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư vào khu vực.
Bên cạnh đó, BQL KKT tỉnh tích cực kết hợp công tác rà soát với công tác kiểm tra thực địa, theo dõi tiến độ đầu tư của các dự án; rà soát, hoàn thiện hồ sơ để chấm dứt hoạt động đối với các dự án chậm tiến độ, không triển khai, nhằm tạo môi trường đầu tư lành mạnh. Trong quý I năm 2024, có 06 dự án đầu tư đã được chấm dứt hoạt động (trong đó có 01 dự án đầu tư nước ngoài và 05 dự án đầu tư trong nước).
Cụm cảng biển nước sâu Vũng Áng - Sơn Dương tạo sức hút cho các doanh nghiệp đầu tư vào Hà Tĩnh. Ảnh BHT
Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong nửa cuối năm 2024
Để tiếp tục tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong nửa cuối năm 2024, BQL KKT tỉnh đề ra những nhiệm vụ, giải pháp sau:
Tăng cường công tác quản lý nhà nước gắn với kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả, chất lượng các nhiệm vụ cải cách hành chính theo lộ trình tại Quyết định số 3504/QĐ-UBND ngày 22/10/2021 của UBND tỉnh về ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030; Kế hoạch cải cách hành chính tỉnh Hà Tĩnh năm 2024 được ban hành theo Quyết định số 3433/QĐ-UBND ngày 25/12/2023 của UBND tỉnh; đẩy mạnh việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, dịch vụ bưu chính công ích trong giải quyết các thủ tục hành chính.
Thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024 theo Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 05/01/2024 của Chính phủ và Kế hoạch số 23/KH-UBND ngày 18/01/2024 của UBND tỉnh, góp phần nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).
Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, gắn với tăng cường công tác quản lý nhà nước, đồng hành, hỗ trợ xử lý các khó khăn, vướng mắc để các dự án đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định. Tập trung tạo điều kiện để triển khai dự án Khu công nghiệp Bắc Thạch Hà (giai đoạn 1) của Tập đoàn VSIP, Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng II vận hành thử vào cuối năm 2024, Nhà máy sản xuất và thương mại công nghệ Pin Lithium đi vào sản xuất thương mại, dự án Đầu tư và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Vinhomes Vũng Áng và Khu công nghiệp Gia Lách mở rộng được Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư. Hỗ trợ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các công ty thành viên khảo sát, nghiên cứu thực hiện các dự án trên địa bàn. Phối hợp tháo gỡ dứt điểm vướng mắc tại dự án Khu công nghiệp Phú Vinh, Khu công nghiệp Hoành Sơn.
Hoàn thiện các nội dung cần thiết để trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết về cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích đầu tư vào các khu kinh tế, khu công nghiệp tỉnh tại Kỳ họp thường lệ giữa năm 2024.
Tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng Đề án mở rộng Khu kinh tế Vũng Áng và các quy hoạch đang triển khai (Điều chỉnh Quy hoạch chung Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, Điều chỉnh Quy hoạch chung Khu kinh tế Vũng Áng, Quy hoạch chi tiết mở rộng khu vực cửa khẩu, Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Bắc Hồng Lĩnh, Khu công nghiệp Kỳ Trinh, Kỳ Thịnh, Khu công nghiệp Hạ Vàng), tham mưu tổ chức lập mới các quy hoạch như: Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp phía Tây thành phố Hà Tĩnh, và các khu công nghiệp khác khi đủ điều kiện.
Phối hợp với Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, chính quyền các địa phương và các cơ quan, đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, giải quyết những vướng mắc, tồn tại đối các dự án, tạo điều kiện thuận lợi đẩy để các dự án triển khai đúng tiến độ, kịp thời đưa dự án đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả.
Phối hợp với chính quyền địa phương, các sở ngành liên quan và các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động, đặc biệt là người dân tại các địa phương có đất thu hồi, di dời, tái định cư.