Trong thời gian qua, việc thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ), an toàn thực phẩm và phòng chống cháy nổ tại các doanh nghiệp trong khu kinh tế và khu công nghiệp có nhiều chuyển biến tích cực; điều kiện làm việc, môi trường lao động trong các doanh nghiệp từng bước được cải thiện, chế độ chính sách đối với người lao động được quan tâm, góp phần bảo vệ sức khỏe người lao động, giảm thiểu tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Tuy nhiên, thời gian gần đây, số vụ tai nạn nghiêm trọng, tai nạn lao động chết người, ngộ độc thực phẩm trên địa bản cả nước có xu hướng gia tăng. Để tăng cường công tác ATSLĐ, an toàn thực phẩm, phòng chống cháy nổ tại các doanh nghiệp trong khu kinh tế và khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, đề nghị các doanh nghiệp thực hiện tốt một số nội dung sau:
1. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát người lao động và các nhà thầu hoạt động tại Dự án về công tác đảm bảo ATVSLĐ, an toàn thực phẩm, phòng chống cháy nổ; thường xuyên tự rà soát, kiểm tra các điều kiện an toàn trong quá trình hoạt động thi công xây dựng, sản xuất kinh doanh, khắc phục các nguy cơ gây mất an toàn tại các công trình, dự án; quản lý chặt chẽ việc sử dụng hệ thống thiết bị điện, nguồn lửa, thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt, đặc biệt là các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ,… để phòng ngừa tai nạn, sự cố.
2. Chủ động tìm hiểu các quy định pháp luật, kiến thức, kỹ năng cơ bản về ATVSLĐ, an toàn thực phẩm, phòng chống cháy nổ; chủ động liên hệ, phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để được hướng dẫn và tổ chức thực hiện các điều kiện về ATVSLĐ, an toàn thực phẩm, phòng chống cháy nổ theo quy định của pháp luật.
3. Thực hiện việc kiểm tra, rà soát lại việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động, công tác cháy nổ trong doanh nghiệp; tập trung đảm bảo thực hiện đầy đủ đúng quy định huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động, khám sức khoẻ định kỳ cho người lao động, đảm bảo an toàn thực phẩm; kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế, đảm bảo an toàn cho người lao động.
4. Xây dựng và thực hiện: kế hoạch ATVSLĐ theo quy định của Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015; phương án chữa cháy, đề ra quy trình tổ chức chữa cháy, thoát nạn, cứu người và phổ biến, tổ chức cho người lao động trong cơ sở nắm, hiểu rõ quy trình tổ chức cứu chữa cháy. Thường xuyên tự kiểm tra để kịp thời phát hiện và khắc phục ngay những nguyên nhân, nguy cơ gây cháy, nổ trong phạm vi quản lý của mình; hướng dẫn cho người lao động làm việc tại cơ sở để chủ động xử lý khi có tình huống cháy xảy ra; tự trang bị và sử dụng thành thạo các trang thiết bị, phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ tại chỗ; bảo quản, bảo dưỡng, đảm bảo các các trang thiết bị, phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ luôn hoạt động tốt.
5. Phổ biến, đôn đốc, nhắc nhở người lao động và những người xung quanh thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về ATVSLĐ, an toàn thực phẩm và phòng chống cháy nổ.
6. Tham gia các buổi tuyên truyền, huấn luyện ATVSLĐ, an toàn thực phẩm, phòng cháy, chữa cháy do cơ quan có thẩm quyền tổ chức.
7. Thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về ATVSLĐ; an toàn thực phẩm; phòng chống cháy nổ tại các doanh nghiệp.

Công tác tự kiểm tra an toàn lao động tại Nhà máy