Sở Công Thương tỉnh Hà Tĩnh đề xuất UBND tỉnh quan tâm tháo gỡ các vướng mắc, tạo điều kiện để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư hạ tầng thương mại, dịch vụ đã được cấp chủ trương đầu tư tại khu vực cửa khẩu, nhằm thúc đẩy phát triển hạ tầng thương mại biên giới trên địa bàn phát triển.
9 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa qua Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo đạt 233,2 triệu USD.
Cơ sở hạ tầng thương mại biên giới được quan tâm cải thiện
Báo cáo về tình hình hoạt động thương mại biên giới 9 tháng năm 2024 của Sở Công Thương tỉnh Hà Tĩnh cho biết, thời gian qua, tình hình hoạt động thương mại biên giới Việt Nam - Lào có nhiều chuyển biến tích cực. Các cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính cũng như cơ sở hạ tầng tại cửa khẩu, hạ tầng thương mại biên giới được tỉnh Hà Tĩnh quan tâm cải thiện.
Theo số liệu thống kê 9 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa qua Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo đạt 233,2 triệu USD. Tính đến ngày 15/9/2024, số thu ngân sách Nhà nước là 159,3 tỷ đồng, đạt 29% so với chỉ tiêu được giao 550 tỷ đồng.
Trong 9 tháng năm 2024, số lượt người xuất nhập cảnh đạt 350.239 lượt người, trong đó: nhập cảnh 173.827 lượt người, xuất cảnh 176.412 lượt người. Số phương tiện xuất nhập cảnh đạt 103.980 lượt, so với 9 tháng đầu năm 2023, lưu lượng người tăng 13%, lưu lượng phương tiện tăng 14%.
Tỉnh Hà Tĩnh có 03 huyện biên giới bao gồm các huyện: Hương Sơn, Hương Khê và Vũ Quang với các cửa khẩu: Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo, cửa khẩu phụ Sơn Hồng - Nậm Sắc, cửa khẩu Kim Quang. Hiện nay, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp đều diễn ra tại khu vực Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo.
Các cơ chế, chính sách quy định của Trung ương và địa phương về phát triển thương mại biên giới đã góp phần hỗ trợ cư dân biên giới.
Theo thống kê, tỉnh Hà Tĩnh hiện có 05 chợ tại các xã biên giới đang hoạt động tập trung tại 02 huyện Hương Sơn và Hương Khê bao gồm: Chợ Gia (xã Phú Gia), chợ Nổ (xã Hòa Hải), chợ Hương Lâm (xã Hương Lâm), chợ Tây Sơn (thị trấn Tây Sơn), chợ Hà Tân (xã Sơn Tây). Có 02 chợ nằm trong quy hoạch chợ biên giới gồm chợ Sơn Hồng (xã Sơn Hồng, huyện Hương Sơn) và chợ Sơn Kim (xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn).
Tại Khu Kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo có 02 chợ đang hoạt động gồm, chợ Tây Sơn (thị trấn Tây Sơn) hoạt động trao đổi hàng hóa tương đối sôi động.
Sở Công Thương tỉnh Hà Tĩnh đánh giá, các cơ chế, chính sách quy định của Trung ương và địa phương về phát triển thương mại biên giới đã góp phần hỗ trợ cho các thành phần kinh tế và cư dân biên giới, thúc đẩy giao thương giữa hai nước Việt - Lào nói chung và tỉnh Hà Tĩnh - Bolykhămxay nói riêng.
Ưu tiên đầu tư hạ tầng giao thông kết nối cửa khẩu
Để triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm về phát triển thương mại biên giới, Sở Công Thương tỉnh Hà Tĩnh đã đề ra nhiều giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm.
Cụ thể, thực hiện các cơ chế, chính sách của Trung ương, của UBND tỉnh, đặc biệt là các cơ chế, chính sách phát triển thương mại biên giới, như: Hiệp định Thương mại biên giới giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ nước CHDCND Lào; Quyết định 259/QĐ-TTg ngày 25/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển hạ tầng thương mại biên giới giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030; Kế hoạch số 110/KH-UBND ngày 13/4/2021 của UBND tỉnh về Kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển hạ tầng thương mại biên giới giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Thúc đẩy các hoạt động trong khuôn khổ hợp tác với các thành viên của Hiệp hội các tỉnh 03 nước Việt Nam - Lào - Thái Lan sử dụng đường 8 và đường 12 trên các lĩnh vực.
Triển khai dự án đường giao thông nối liền giữa hai Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo - Nậm Phao góp phần thúc đẩy giao thương hàng hóa giữa Việt Nam - Lào.
Đồng thời, thực hiện xã hội hóa đầu tư xây dựng các dự án Logistics, cảng cạn tại Khu Kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo; rà soát, thúc đẩy triển khai các cơ chế, chính sách tạo điều kiện thu hút hàng hóa xuất nhập khẩu qua Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, cảng Vũng Áng.
Tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số giúp giảm thời gian thực hiện thủ tục, tạo thuận lợi, thông thoáng cho cộng đồng doanh nghiệp, khách hàng, người dân tham gia hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh trên địa bàn.
Nhằm đẩy mạnh phát triển thương mại biên giới thời gian tới, đồng thời đảm bảo an toàn an ninh biên giới, Sở Công Thương tỉnh Hà Tĩnh đề xuất Chính phủ, Bộ, ngành Trung ương phối hợp triển khai dự án đường giao thông nối liền giữa hai Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo - Nậm Phao góp phần giải quyết tình trạng ách tắc giao thông, thúc đẩy giao thương hàng hóa giữa Việt Nam - Lào và các tỉnh Đông Bắc Thái Lan.
Tiếp tục chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải 02 nước Việt Nam - Lào sớm hoàn thành các thủ tục ký Bản ghi nhớ về việc bổ sung tuyến đường 8, đường 12 trên lãnh thổ Việt Nam, Lào vào Nghị định thư số 1 của Hiệp định về tạo thuận lợi vận tải người và hàng hóa qua lại biên giới giữa các nước Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng.
Thực hiện các biện pháp khuyến khích và tạo điều kiện cho doanh nghiệp vận tải ba nước hợp tác trong vận tải hàng hóa qua tuyến đường 8 (quốc lộ 8) và đường 12 (quốc lộ 12C) đến các khu công nghiệp Vũng Áng (Hà Tĩnh), Hòn La (Quảng Bình), Cửa Lò (Nghệ An) và nước khác.
Đặc biệt, Sở Công Thương cũng đề nghị UBND tỉnh Hà Tĩnh quan tâm tháo gỡ các vướng mắc, tạo điều kiện để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư hạ tầng thương mại, dịch vụ đã được cấp chủ trương đầu tư tại khu vực cửa khẩu.