Hiện tại, các KKT của tỉnh Hà Tĩnh đã có hơn 600 doanh nghiệp, nhà đầu tư đăng ký hoạt động với tổng mức đầu tư gần 18 tỷ USD; trong đó có dự án Khu liên hợp gang thép và cụm cảng nước sâu Sơn Dương của Tập đoàn Formosa Đài Loan là dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất hiện nay với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 10,5 tỷ USD (quy mô xây dựng nhà máy luyện gang thép 7,5 triệu tấn năm, cụm cảng nước sâu công suất 28 triệu tấn/năm, cụm nhà máy nhiệt điện 650 MW).
Tình hình phát triển:
Hiện tại, các KKT của tỉnh Hà Tĩnh đã có hơn 600 doanh nghiệp, nhà đầu tư đăng ký hoạt động với tổng mức đầu tư gần 18 tỷ USD; trong đó có dự án Khu liên hợp gang thép và cụm cảng nước sâu Sơn Dương của Tập đoàn Formosa Đài Loan là dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất hiện nay với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 10,5 tỷ USD (quy mô xây dựng nhà máy luyện gang thép 7,5 triệu tấn năm, cụm cảng nước sâu công suất 28 triệu tấn/năm, cụm nhà máy nhiệt điện 650 MW).
Đến nay, nhiều hạng mục quan trọng của các dự án lớn trong các KKT của tỉnh đã đi vào khai thác (đã giải ngân trên 12 tỷ USD). Một số dự án đầu tư vào KKT Vũng Áng đã đi vào hoạt động như: Tổng kho Xăng dầu - Dầu khí, kho khí hóa lỏng, kho đạm; nhà máy nhiệt điện Vũng Áng I (1.200MW); tổ máy số 1, số 2 nhiệt điện Formosa (mỗi tổ 150MW); 11 cầu cảng đã hoàn thành (trong đó 2 cầu cập tàu 200.000 tấn...). Nhiều dự án về nhiệt điện, cảng biển có khả thi sẽ đầu tư đến năm 2020 với tổng vốn đăng ký lên tới 30 tỷ USD đến từ các nước có nền khoa học phát triển, có công nghệ sản xuất tiên tiến như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, Đức... góp phần đảm bảo môi trường cho phát triển bền vững.
Tổng kho Gas- Xăng dầu, công suất 110.000m3; khí 3.250 tấn
Tính đến cuối năm 2015, tổng lao động tại Khu kinh tế Vũng Áng: 32.300 người (lao động trong nước: 25.568 người, lao động nước ngoài: 6732 người. Mức lương trung bình của lao động Việt Nam đạt khoảng 6,8 triệu đồng/người/tháng, có nhiều đơn vị có lương bình quân đạt mức khá (10 triệu đồng/người/tháng).
Thu ngân sách tại KKT chiếm tỷ trọng lớn trong tổng thu ngân sách của tỉnh (gần 70%). Tổng thu ngân sách năm 2015 đạt trên 7.000 tỷ đồng.
Một số giải pháp và kinh nghiệm thực tiễn
Tuyệt đối tuân thủ quy hoạch, tham mưu ban hành chính sách phù hợp kịp thời, quyết liệt trong cải cách hành chính, tập trung các nguồn lực đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm
Tuyệt đối tuân thủ các nguyên tắc cơ bản trong quy hoạch đã được phê duyệt, trên cơ sở đó khai thác tốt nhất tiềm năng, lợi thế của cảng nước sâu, cửa khẩu quốc tế; khai thác lợi thế giao thông cả đường bộ, đường thủy nội địa và quốc tế; khai thác nguồn tài nguyên khoáng sản đa dạng và chủ lực của tỉnh gắn với xây dựng chiến lược, lộ trình khai thác hợp lý để đưa hiệu quả cao nhất. Đồng thời, nghiên cứu các văn bản quy phạm pháp luật, đối chiếu với thực tế để đề xuất Chính phủ, các Bộ, ngành hỗ trợ các cơ chế, chính sách và nguồn lực đầu tư.
Rà soát, nghiên cứu để hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, các quy định thuộc chức năng quản lý nhà nước đối với KKT; tham mưu cho tỉnh trong việc sửa đổi, ban hành các chính sách ưu đãi phù hợp với thực tế phát triển địa phương; kịp thời cập nhật các chính sách phù hợp các Luật mới, tạo môi trường đầu tư nhất quán và thông thoáng.
Đối với các dự án trọng điểm, dự án quan trọng trong KKT, đề nghị tỉnh thành lập các Ban chỉ đạo, tổ công tác do Lãnh đạo UBND tỉnh phụ trách, thành viên là đại diện các sở, ngành liên quan và chính quyền địa phương. Tổ công tác có nhiệm vụ đồng hành, hỗ trợ, phối hợp với chủ đầu tư giải quyết các khó khăn, vướng mắc và các vấn đề liên quan trong quá trình thực hiện dự án. Nhờ đó các dự án trọng điểm tại KKT đều triển khai đúng tiến độ.
Lãnh đạo tỉnh tham quan dự án Khu liên hợp Gang thép Formosa Hà Tĩnh
Trong triển khai đầu tư, tập trung phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước song hành với nhà đầu tư. Các cấp, các ngành và từng cán bộ phải quyết liệt trên tất cả các lĩnh vực, nhất là công tác chính trị tư tưởng, công tác dân vận, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, giải phóng mặt bằng, xây dựng tái định cư... thực hiện bàn giao đất cho nhà đầu tư đúng tiến độ.
Quyết liệt thực hiện công tác cải cách hành chính, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính (TTHC) một cách đồng bộ, thực hiện nghiêm một cửa, Ban Quản lý KKT là cơ quan vừa trực tiếp, vừa trung gian đồng hành cùng các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Trong đó, Ban Quản lý KKT tỉnh Hà Tĩnh đã thu được nhiều kết quả tích cực trong công tác đơn giản hóa TTHC: hiện đã có 45 TTHC được cắt giảm theo những quy định mới của các Luật, số thời gian cắt giảm trên tổng số thời gian giải quyết các TTHC đang có hiệu lực đạt 51%, số TTHC có thành phần được cắt giảm trên tổng số TTHC đang có hiệu lực đạt trên 53%, có một số TTHC quy định thực hiện tối đa trong 60 ngày nhưng đơn vị chỉ triển khai trong 25 ngày, còn phần lớn các TTHC khác đều được cắt giảm hơn ½ thời gian theo quy định.
Quan tâm, tập trung cho công tác đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội từng bước đáp ứng cho nhà đầu tư, nhân dân và cộng đồng, đặc biệt là hạ tầng xã hội để tạo nên một đô thị văn minh, giữ chân nhà đầu tư lâu dài và thu hút thêm nhiều nhà đầu tư mới. Trong xây dựng hạ tầng, tham mưu cho tỉnh phát huy triệt để công tác xã hội hóa đầu tư, do vậy trong KKT Vũng Áng đã có dự án cấp nước gần 5.000 tỷ đồng và nhà máy chế rác 620,3 tỷ đồng được thực hiện bằng xã hội hóa.
Đảm bảo môi trường phát triển bền vững
Thực hiện xúc tiến đầu tư có trọng điểm, hướng tới các nhà đầu tư lớn của các nước phát triển để khai thác công nghệ tiên tiến, tính chuyên nghiệp trong tổ chức sản xuất, tính khoa học trong quản trị doanh nghiệp... nhằm tạo ra sản phẩm có hàm lượng khoa học cao. Vận dụng những chính sách ưu đãi của Chính phủ và tiếp tục nghiên cứu, bổ sung hoàn thiện cơ chế chính sách ưu đãi của Tỉnh để ưu tiên thu hút các nhà đầu tư thực hiện các dự án hỗ trợ sau thép, dự án công nghệ cao; các dự án sử dụng, tái tạo bụi, khí, xỉ than từ nhà máy nhiệt điện...
Tổ chức thẩm định, phê duyệt hồ sơ về môi trường theo cơ chế “một cửa, tại chỗ”, giảm thời gian giải quyết hồ sơ; hướng dẫn và niêm yết công khai các quy trình, thủ tục về môi trường tại bộ phận một cửa, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đầu tư của các dự án.
Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật; kiểm tra, kiểm soát công tác bảo vệ môi trường, trong đó chú trọng hướng dẫn trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường, giúp các doanh nghiệp nắm bắt kịp thời quy định pháp luật, góp phần nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho doanh nghiệp để thực hiện; phối hợp với Trung tâm quan trắc và kỹ thuật môi trường - Sở Tài nguyên và Môi trường lập mạng lưới quan trắc chất lượng môi trường cho các KKT với tần suất 2 lần/năm để có cơ sở dữ liệu kiểm tra, kiểm soát chất lượng môi trường nền của toàn KKT, KCN. Đặc biệt chú trọng kiểm tra công tác bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp, nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm bảo vệ môi trường.
Công tác quản lý lao động, cung ứng nguồn nhân lực, đảm bảo các điều kiện thiết yếu cho người lao động
Tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn, nhắc nhở thực hiện và phối hợp quản lý, đổi mới cách thức quản lý để công tác quản lý lao động đạt hiệu quả tốt nhất; gắn quản lý lao động với quản lý an ninh, trật tự, quản lý tạm trú, lưu trú của người lao động; gắn công tác tuyên truyền với công tác kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm; Ban Quản lý KKT tỉnh thường xuyên có các văn bản hướng dẫn, đôn đốc các doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhà thầu thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý lao động; yêu cầu báo cáo tình hình sử dụng lao động định kỳ hàng tháng. Ban đã thành lập các tổ công tác thường xuyên bám sát từng doanh nghiệp, nhà thầu để hướng dẫn, kiểm tra, nắm tình hình lao động, thực hiện chế độ chính sách đối với người lao động.
Tổ chức làm việc để thống nhất việc ủy quyền công tác quản lý lao động cho Ban Quản lý KKT theo tinh thần UBND tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND huyện sẽ ủy quyền tất các các nhiệm vụ theo quy định tại Thông tư số 32/2014/TT-BLĐTBXH ngày 01/12/2014 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn ủy quyền thực hiện một số nhiệm vụ quản lý nhà nước về lao động trong KCN, KKT.
Xây dựng chiến lược phát triển nhân lực cho sự phát triển bền vững với việc tạo các cơ chế, chính sách đặc thù trong công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm nhằm giải quyết công ăn, việc làm cho người lao động, cung ứng nhân lực cho 02 KKT, giữ vững sự đồng thuận trong nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội. Đồng thời tăng cường liên kết đào tạo lao động có tay nghề trong các trường dạy nghề, đào tạo lao động tri thức trong các trường đại học để từng bước và tiến tới chủ động tối đa về lao động cho sự phát triển các KKT, KCN về lâu dài.
Thường xuyên trao đổi, cập nhật để nắm bắt nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp, nhà thầu tại các KKT để định hướng chuyển đổi, đào tạo nghề và giới thiệu việc làm đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp trong KKT.Tính đến cuối năm 2015, Ban đã hướng dẫn, tư vấn cho hơn 5500 lượt lao động đến tìm hiểu thông tin việc làm tại các KKT, giới thiệu 1.896 lao động tham gia phỏng vấn, thi tuyển, kết quả có 618 lao động trúng tuyển vào làm việc tại 17 doanh nghiệp, nhà thầu thuộc KKT Vũng Áng. Khi có Nghị định số 102/NĐ-CP ngày 05/9/2013 của Chính phủ quy định về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, do đặc thù lao động trong KKT quá đông, Ban Quản lý đã kịp thời tham mưu cho tỉnh báo cáo Bộ và Chính phủ về sự bất cập trong tuyển dụng lao động của các nhà đầu tư theo các tiêu chí của Nghị định để kịp thời sửa đổi, bổ sung hợp lý và đảm bảo an toàn.
Ban Quản lý KKT tỉnh Hà Tĩnh đang khuyến khích các nhà đầu tư, doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở theo các Quyết định số: 66/2009/QĐ-TTg ngày 24/4/2009, số 67/2009/QĐ-TTg ngày 24/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời tham mưu cho UBND tỉnh các hỗ trợ đầu tư. Việc triển khai xây dựng nhà ở đáp ứng nhu cầu cho người lao động được Trung ương và Tỉnh quan tâm, hỗ trợ tối đa. Trong đó khuyến khích nhà đầu tư bỏ vốn xây dựng nhà ở cho công nhân.
Hiện tại KKT Vũng Áng có dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho người lao động thu nhập thấp với tổng vốn đầu tư 1.200 tỷ đồng trên diện tích 17,32 ha; Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam xây dựng nhà ở cho cán bộ công nhân viên trong giai đoạn quản lý và vận hành Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 trên diện tích 4,5ha gồm 4 khu nhà 5 tầng, đáp ứng nhu cầu cho hơn 700 lao động; Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa xây dựng Nhà ở công nhân của Công ty, đáp ứng nhu cầu cho khoảng 12.000 chuyên gia, lao động và hệ thống nhà ăn có thể đảm bảo cho 11.000 người ăn/lượt; Tổng công ty khoáng sản và thương mại Hà Tĩnh đang xây dựng nhà ở cho công nhân với hơn 6.000 chổ ở. Ngoài ra, một số doanh nghiệp, nhà đầu tư cũng đã được Ban cấp giấy phép, hỗ trợ các thủ tục để triển khai các dự án về nhà ở, bệnh viện, trường học tại KKT Vũng Áng...vvv.