Đây là nội dung nổi bật tại Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia 2019 được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 7 ngày 14/6/2019.
Theo đó, sửa đổi quy định tại khoản 8 Điều 8 Luật giao thông đường bộ 2008 ngày 13/11/2018.
Cụ thể, theo quy định hiện hành tại Luật giao thông đường bộ 2008, việc sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông được chia làm 02 trường hợp:
- Đối với xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng: Nghiêm cấm người điều khiển xe tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn (Có nghĩa chỉ cần có nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở là sẽ bị phạt, không phân biệt ít hay nhiều).
- Đối với xe mô tô, xe gắn máy: Chỉ bị phạt khi người điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở.
Nay, Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia đã sửa quy định này như sau:
Nghiêm cấm điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.
Như vậy, kể từ ngày Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực thì không chỉ người điều khiển xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng mà cả người điều khiển mô tô, xe gắn máy đều không được phép điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.
Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực từ ngày 01/01/2020.