Hiện nay, các doanh nghiệp trên địa bàn khu kinh tế (KKT), khu công nghiệp (KCN) tỉnh Hà Tĩnh phần lớn là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, điều hành doanh nghiệp theo phương pháp “gia đình”. Vì vậy, việc áp dụng chuyển đổi số trong doanh nghiệp vẫn còn xa lạ, hạn chế. Để hỗ trợ, thúc đẩy chuyển đổi số cho doanh nghiệp trên địa bàn, Ban quản lý Khu kinh tế (BQL KKT) tỉnh đã có nhiều phương án để các doanh nghiệp được tiếp cận, từ đó áp dụng chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, giúp tăng hiệu quả, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm và giảm thủ tục hành chính, thời gian, chi phí cho doanh nghiệp.
Để doanh nghiệp trên địa bàn được tiếp cận chuyển đổi số
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 2 KKT, 3 KCN, trong đó, KKT Vũng Áng rộng hơn 22.700 ha, là một trong 8 nhóm KKT trọng điểm của quốc gia, với nhiều thế mạnh như trung tâm luyện gang thép lớn nhất Việt Nam, trung tâm năng lượng lớn và có nhiều lợi thế về hệ thống cảng biển nước sâu để phát triển dịch vụ logistics. KKT cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo là một trong các cửa khẩu quốc tế trọng điểm của Việt Nam với vị trí thuận lợi cho việc giao lưu và phát triển hợp tác giữa Việt Nam với Lào và Thái Lan. Cho đến nay, trên địa bàn KKT, KCN tỉnh đã thu hút được 192 dự án đầu tư còn hiệu lực.
Trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang phát triển mạnh mẽ, chuyển đổi số đã trở thành một yêu cầu cấp thiết và là động lực thúc đẩy sự phát triển của mọi ngành kinh tế. Đối với tỉnh Hà Tĩnh - một tỉnh ven biển miền Trung Việt Nam với sự gia tăng mạnh mẽ của các KCN và KKT, việc thúc đẩy chuyển đổi số không chỉ nhằm nâng cao năng lực sản xuất, quản lý mà còn là chìa khóa để gia tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.
Thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 22/10/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021- 2025, tầm nhìn đến năm 2030 và Kế hoạch số 393/KH-UBND ngày 29/10/2020 của UBND tỉnh Hà Tĩnh về Chuyển đổi số tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, yêu cầu các Sở, ban, ngành, địa phương thực hiện chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện trên phạm vi toàn tỉnh, đưa Hà Tĩnh trở thành 1 trong 15 tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương có chỉ số cao nhất về Chính phủ số, kinh tế số của cả nước; hình thành và phát triển môi trường số an toàn, tiện ích, phục vụ tối đa nhu cầu sản xuất, kinh doanh cũng như sinh hoạt cộng đồng của người dân.
Theo đó, BQL KKT tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện chương trình thúc đẩy phát triển và sử dụng các nền tảng số Quốc gia phục vụ chuyển đổi số, phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Trong đó, xác định rõ các nhiệm vụ có liên quan để xây dựng giải pháp cụ thể thực hiện; đặc biệt là các giải pháp liên quan đến phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh đối với doanh nghiệp trong các KKT, KCN.
Cùng với đó, BQL KKT tỉnh tiếp tục tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách, chương trình, hội thảo thúc đẩy chuyển đổi số đến với doanh nghiệp trong các KKT, KCN nhằm nâng cao nhận thức của chủ doanh nghiệp về vai trò, ý nghĩa và lợi ích của chuyển đổi số đối với quản trị, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh tổ chức Hội thảo “Chuyển đổi số - hiệu quả và động lực phát triển doanh nghiệp” để doanh nghiệp được tiếp cận chuyển đổi số.
Kết quả, các doanh nghiệp thực hiện các dự án đầu tư trong KKT, KCN đã ứng dụng các nền tảng số vào việc quản trị, sản xuất như: Phần mềm kế toán; Hệ thống quản lý nhân sự; Sản xuất; Kê khai, nộp thuế, bảo hiểm xã hội… Việc áp dụng nền tảng số đã đưa lại hiệu quả cao cho doanh nghiệp trong việc quản trị và sản xuất; giảm thiểu việc đi lại, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính trên cơ sở liên thông điện tử.
Đối với lĩnh vực xúc tiến đầu tư, BQL KKT tỉnh đã thu thập được các thông tin về tình hình kinh tế - xã hội, tiềm năng, lợi thế của địa phương, của từng Khu công nghiệp để thực hiện các tài liệu số, Video clip, tạo mã QR để tải lên Google Drive…nhằm phục vụ công tác xúc tiến đầu tư; đồng thời, phối hợp, kết nối các đơn vị chuyên môn về công nghệ số với các Chủ đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp nghiên cứu, xây dựng bản đồ số của Khu công nghiệp nhằm phục vụ công tác xúc tiến đầu tư.
Ngoài ra, BQL KKT còn tổ chức số hóa dữ liệu trên lĩnh vực quản lý đầu tư, quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh, quản lý lao động, quản lý môi trường, quản lý xây dựng; khuyến khích và thúc đẩy cá nhân, tổ chức sử dụng dịch vụ công trực tuyến trong giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính…
Đổi mới thể chế, chính sách về công nghệ, chuyển đổi số
Nhiều hoạt động, giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực tiếp cận kinh tế số.
Chuyển đổi số tại các KCN, KKT trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh vẫn đang trong giai đoạn đầu của quá trình triển khai. Những kết quả đã đạt được trong cuộc “cách mạng” chuyển đổi số trong KKT, KCN trên địa bàn, bên cạnh những doanh nghiệp đã thành công trong việc bắt kịp sự thay đổi, chuyển biến của chuyển đổi số, thì cũng có doanh nghiệp chưa đủ năng lực, cơ hội để tiếp cận. Vì vậy đòi hỏi các doanh nghiệp cần đầu tư trang bị kỹ năng về công nghệ thông tin, áp dụng chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại, phát triển kinh doanh trên nền tảng số.
Để quá trình chuyển đổi số tại các KCN, KKT trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh diễn ra thuận lợi, BQL KKT tỉnh nhận định, cần có sự đầu tư đồng bộ vào hạ tầng mạng lưới viễn thông, hệ thống máy chủ và các thiết bị công nghệ hiện đại để tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các giải pháp công nghệ tiên tiến. Đồng thời, tập trung vào đào tạo nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ thông tin, tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn về chuyển đổi số cho cán bộ quản lý và nhân viên của các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, để xây dựng hệ sinh thái số, BQL KKT tỉnh cần tạo điều kiện để các doanh nghiệp trong KCN, KKT có thể kết nối, chia sẻ dữ liệu và ứng dụng công nghệ số một cách hiệu quả, đặc biệt trong xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào quá trình chuyển đổi số.
Trong thời gian tới, BQL KKT tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục nâng cao nhận thức và xây dựng chiến lược chuyển đổi số trong doanh nghiệp, cụ thể: tổ chức các hội thảo, tọa đàm về chuyển đổi số nhằm nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về tầm quan trọng của công nghệ số trong phát triển kinh tế; hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng chiến lược chuyển đổi số phù hợp với tình hình thực tế.
Chuyển đổi số là xu thế tất yếu và là chìa khóa quan trọng để các KCN, KKT tại Hà Tĩnh nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững trong bối cảnh toàn cầu hóa và cạnh tranh quốc tế ngày càng khốc liệt. Mặc dù còn nhiều khó khăn và thách thức, với sự quyết tâm và các giải pháp đồng bộ, tỉnh Hà Tĩnh hoàn toàn có thể trở thành một điểm sáng trong công cuộc chuyển đổi số tại khu vực miền Trung và cả nước. Sự thành công của quá trình này không chỉ góp phần vào sự phát triển kinh tế của tỉnh mà còn đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của nền kinh tế quốc gia trong thời đại công nghệ số.